Carbon Dioxide (CO2) là một chất khí phổ biến trong cuộc sống của con người. CO2 là một trong những loại khí quan trọng nhất trên trái đất bởi thực vật cần CO2 để quang hợp. Vì con người và động vật phụ thuộc vào thực vật để làm thức ăn, nên quá trình quang hợp là cần thiết cho sự tồn tại của sự sống trên trái đất. Tuy nhiên, nếu CO2 tập trung và tích tụ lại sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là hệ thần kinh.
Khí CO2 bắt nguồn từ đâu?
Khí CO2 bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố trong cuộc sống, nó có thể bắt nguồn từ môi trường bên ngoài, cũng có thể xuất phát từ những hoạt động trong nhà. Đáng ngạc nhiên nhất là, một lượng lớn khí CO2 chính là do cơ thể con người tạo ra. Quá trình hô hấp và hít thở của chúng ta tạo ra CO2, vì vậy khi ở trong một phòng kín và đông người, nồng độ CO2 sẽ tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, những nguồn gốc sinh ra CO2 bắt nguồn từ môi trường bên ngoài bao gồm:
- Quá trình hô hấp và phân hủy của thực vật, động vật
- Đốt nhiên liệu (gỗ, than, khí đốt tự nhiên, xăng và dầu)
- Quá trình sản xuất xi măng
- Khí thải phương tiện giao thông
- Cháy rừng
- Quá trình đá vôi hóa thạch tự nhiên
Ngoài ra, còn những nguyên nhân sản sinh ra khí CO2 trong không gian sống của chúng ta bắt nguồn từ:
- Hoạt động nấu nướng (bếp gas, bếp than,…)
- Lò sưởi (sử dụng nhiên liệu đốt như củi)
- Khói thuốc
- Máy sấy quần áo
- Bình nóng lạnh
Khí CO2 ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?
Cảm giác uể oải, kiệt sức khi phải trải qua một cuộc họp lâu và đông người chính là do nồng CO2 trong phòng tăng lên. Một nghiên cứu năm 2012 đã cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa phòng họp ngột ngạt, quá đông đúc với khả năng nhận thức và khả năng ra quyết định của con người. Mức độ cao của CO2 thường được tìm thấy trong các phòng họp văn phòng, điều này có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, buồn nôn và đau đầu.
Không thường xuyên thông gió cho ngôi nhà là một nguyên nhân phổ biến tạo nên khí CO2. Thông thường, mức CO2 nằm trong khoảng 350-400 phần triệu (ppm) trong môi trường ngoài trời trong lành. Trong môi trường văn phòng, mức CO2 350 – 1000 ppm được coi là chấp nhận được, nhưng đa phần nồng độ CO2 vượt quá mức này trong phòng họp.
Lượng CO2 cao sẽ tác động tiêu cực đến não bộ và sức khỏe của bạn. Các triệu chứng của nồng độ CO2 cao có thể bắt đầu như đau đầu, thiếu tập trung và mệt mỏi. Thậm chí nồng độ CO2 cao còn tác động đến khả năng ra quyết định và hiệu suất nhận thức cũng có thể bị ảnh hưởng.
Ví dụ, một nghiên cứu tại nơi làm việc cho thấy những người hít thở ở mức CO2 2.500 ppm phải vật lộn để thực hiện các nhiệm vụ như đọc hiểu cơ bản hoặc các bài toán đơn giản. CO2 cũng có thể dẫn đến năng suất làm việc chậm hơn và tăng thời gian vắng mặt tại nơi làm việc hoặc trường học.
Khi hết mức tiếp xúc với CO2 cao, cơ thể bạn sẽ rơi vào trạng thái nhiễm toan (tình trạng tích tụ acid trong máu), điều này gây ra tình trạng nhịp thở tăng nhanh, huyết áp tăng và nhịp tim tăng. Tiếp xúc lâu với nồng độ CO2 cao có thể dẫn đến tử vong.
Các biện pháp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của CO2 đến sức khỏe
1. Cân bằng lượng CO2 bằng cách lưu thông không khí
Hãy mở cửa sổ thường xuyên nếu bạn cảm thấy nhà ngột ngạt hoặc có mùi khó chịu. Nếu có đông người đến nhà, hãy mở một vài cửa sổ để không khí lưu thông. Ngoài ra, nếu bạn đang chuẩn bị bữa tối trên bếp gas, hãy mở cửa sổ bếp để lượng CO2 thừa thoát ra ngoài.
Mở cửa sổ sẽ giúp đào thải lượng khí CO2 trong không gian
2. Phương pháp thông gió hiệu quả
Hãy đảm bảo rằng hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) của bạn hoạt động một cách hiệu quả. Khi đã sử dụng HVAC được một thời gian, hãy chú ý vệ sinh định kỳ để tấm lọc của hệ thống luôn ở trạng thái điều hòa tốt nhất.
3. Hạn chế ở nơi đông người quá lâu
Việc ở nơi đông người với không gian hạn chế sẽ khiến nồng độ CO2 tăng cao. Vì vậy hãy cố gắng hạn chế thời gian lưu lại những địa điểm đó quá lâu hoặc nếu có thể chủ động, hãy tự giới hạn thời gian. Ví dụ ở công ty, hãy đặt giới hạn thời gian, chương trình làm việc rõ ràng và cố gắng giới hạn danh sách người tham gia. Các bước đơn giản này có thể làm giảm lượng CO2 trong phòng họp của bạn và giữ cho tâm trí của mọi người luôn tỉnh táo.
4. Không hút thuốc và không cho phép hút thuốc
Hãy đặt ra kỷ luật cho chính bản thân và những người thân xung quanh khi ở nhà: không được hút thuốc. Khi ra ngoài, hãy chủ động tránh những nơi nhiều khói thuốc. Lượng khí thải CO2 từ khói thuốc lá cao hơn khoảng 200 lần trung bình so với ngoài trời.
5. Lắp đặt hệ thống cấp khí tươi
Lắp đặt hệ thống cấp khí tươi sẽ giúp thay đổi chất lượng không khí trong phòng bằng không khí tươi mới ngoài trời đã qua xử lý.
Khi lắp điều hòa, lượng không khí trong phòng chỉ được tuần hoàn và làm lạnh thông qua dàn lạnh, khi ở trong phòng kín, lượng khí O2 giảm dần còn CO2 thì tăng do quá trình trao đổi khí. Chính vì thế, hệ thống cấp gió tươi giúp cho không khí được lưu thông tự nhiên, thải được khí độc ra ngoài, đưa lượng O2 cần thiết vào không khí, đồng thời giúp cân bằng độ ẩm tốt hơn.
Dù khí CO2 rất phổ biến nhưng ít ai thật sự để tâm tới những ảnh hưởng về sức khỏe mà loại khí này gây ra. Trang bị kiến thức cho bản thân và những người xung quanh là một cách để bảo vệ chính mình khỏi bệnh tật. Hãy thực hiện từng bước nhỏ từ bây giờ để giảm thiểu khí CO2 trong môi trường sống của bạn.
Nguồn tham khảo:
http://www.ces.fau.edu/nasa/module-4/causes/sources-carbon-dioxide.php
https://www.health.state.mn.us/communities/environment/air/toxins/index.html
https://learn.kaiterra.com/en/air-academy/health-effects-of-co2
Tìm hiểu thông tin chi tiết và chuyên sâu về không khí tại đây.