Thở hụt hơi là một vấn đề đang ngày càng phổ biến hiện nay, điều này gây ra rất nhiều bất tiện và cản trở trong cuộc sống cho người mắc phải. Đặc biệt, thở hụt hơi cũng là triệu chứng của nhiều các bệnh lý nghiêm trọng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Thở hụt hơi là gì?
Thở hụt hơi, hay còn được biết đến là một trạng thái khó thở, là cảm giác bạn không thể hít đủ không khí vào phổi và gây ra cảm giác tức ngực.
Thở hụt hơi có thể xảy ra khi tập luyện thể chất ở cường độ cao
Thở hụt hơi có thể là một triệu chứng của vấn đề sức khỏe, thường liên quan đến bệnh tim hoặc phổi. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thở hụt hơi ngắn hạn sau khi tập luyện cường độ cao hoặc hoạt động thể chất khác.
Nguyên nhân gây ra tình trạng thở hụt hơi
Tập thể dục thường là tác nhân gây tình trạng thở hụt hơi ngắn hạn. Tuy nhiên, nhịp thở bình thường sẽ trở lại trong vòng vài phút sau khi nghỉ ngơi.
Thở hụt hơi cũng có thể là triệu chứng báo hiệu các vấn đề về sức khỏe. Các vấn đề sức khỏe ngắn hạn có thể gây thở hụt hơi bao gồm:
- Suy tim đột ngột
- Huyết áp thấp
- Viêm phổi
- Thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi)
- Tràn khí màng phổi (xẹp phổi)
- Ngộ độc carbon monoxide (CO)
- Sốc phản vệ (phản ứng dị ứng nghiêm trọng)
- Căng thẳng hoặc lo lắng
- Nhiệt độ cực đoan
- Tràn dịch màng phổi
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Bạn cũng có thể bị thở hụt hơi đột ngột nếu thức ăn hoặc một số dị vật khác chặn đường thở. Một chấn thương gây hại cho phổi hoặc gây mất máu nhanh cũng sẽ làm cho việc thở trở nên khó khăn hơn.
Thở hụt hơi cũng có thể là triệu chứng của các bệnh mãn tính
Nếu tình trạng thở hụt hơi kéo dài hơn 1 tháng, điều này thường có thể là triệu chứng của các tình trạng bệnh mãn tính:
- COPD mãn tính, bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính
- Bệnh phổi kẽ (sẹo mô phổi)
- Ung thư phổi
- Tăng huyết áp động mạch phổi
- Béo phì
- Tràn dịch màng phổi (chất lỏng trong lồng ngực)
- Bệnh tim
Cách điều trị triệu chứng thở hụt hơi
Ăn kiêng và tập thể dục
Nếu bạn bị béo phì và gặp khó khăn trong việc kiểm soát mức độ thể chất, bạn nên có một chế độ ăn uống cân bằng và thường xuyên tập thể dục có thể giúp giảm các triệu chứng gây thở hụt hơi. Nếu có một tình trạng sức khỏe buộc phải hạn chế mức độ hoạt động của mình, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc bắt đầu thói quen tập thể dục an toàn.
Phục hồi chức năng phổi
COPD và các tình trạng phổi khác cần có sự chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa phổi và chuyên về hệ hô hấp tư vấn để phục hồi chức năng phổi. Các biện pháp can thiệp trị liệu bao gồm thuốc giãn phế quản, luyện tập thể dục, dưỡng khí lưu thông, luyện cơ hô hấp có thể làm giảm chứng thở hụt hơi bằng cách giảm sự phân ly cơ thần kinh của hệ hô hấp.
Các cách điều trị chứng thở hụt hơi
Phục hồi chức năng tim
Thở hụt hơi là một trong những triệu chứng của bệnh suy tim. Suy tim là tình trạng tim của bạn quá yếu để nạp đủ lượng máu có oxy cho cơ thể. Phục hồi chức năng tim có thể giúp bạn kiểm soát suy tim và các tình trạng liên quan đến tim khác.
Cách ngăn ngừa chứng thở hụt hơi
Nguyên nhân phổ biến gây ra chứng thở hụt hơi đó là hút thuốc. Nếu bạn hút thuốc, hãy cân nhắc tìm kiếm một chuyên gia hoặc chương trình cai thuốc lá trong cộng đồng. Các bước khác bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa chứng khó thở và thở hụt hơi bao gồm:
- Điều trị các vấn đề sức khỏe cơ bản: Tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể gây ra chứng thở hụt hơi. Tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ (nếu có) có thể giúp ngăn ngừa chứng thở hụt hơi.
- Tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí: Ô nhiễm không khí và các hóa chất trong không khí cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Nếu bạn làm việc trong môi trường có chất lượng không khí kém, hãy cân nhắc sử dụng khẩu trang để lọc các chất gây kích ứng phổi, và đảm bảo nơi làm việc của bạn được thông gió tốt.
- Duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải: Cân nặng vừa phải có thể giúp bạn tránh một số lo ngại về sức khỏe. Nếu bạn cần giúp quản lý cân nặng của mình, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn lập chế độ ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng.
- Tránh hoạt động quá sức: Hoạt động thể chất với cường độ cao có thể gây ra chứng thở hụt hơi trong thời gian ngắn. Tránh hoặc giảm thiểu vận động quá sức có thể giúp ngăn chặn điều này xảy ra.
Thở hụt hơi là một triệu chứng, không phải là một bệnh, vì thế việc kiểm soát và phòng tránh các nguyên nhân là hoàn toàn có thể, ngoại trừ thở hụt hơi do các tình trạng bệnh như COPD và suy tim (bệnh mãn tính). Điều quan trọng là làm theo lời khuyên của bác sĩ, kiểm tra sức khỏe thường xuyên và thay đổi lối sống sẽ giúp hơi thở của bạn luôn khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/dyspnea
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6979461/
Tìm hiểu các thông tin chuyên sâu về không khí tại đây.