Chất lượng không khí suy giảm thúc đẩy quá trình sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ, trong đó có công nghệ Ionizer. Ionizer được ứng dụng phổ biến trong các thiết bị gia đình, đặc biệt là máy lọc không khí. Vậy công nghệ Ionizer đặc biệt như thế nào?
1. Công nghệ Ionizer
Công nghệ ionizer là một tính năng hiện đại được tích hợp trên các sản phẩm máy lọc không khí hay quạt điều hòa hiện nay. Công nghệ này sử dụng các ion âm và ion dương để lọc bụi và các hạt có kích thước nhỏ khác ra khỏi không khí.
Năm 1918, Alexander Chizhevsky đã tạo ra máy ion hóa không khí đầu tiên cho liệu pháp ion. Ban đầu nó được sử dụng cho sức khỏe động vật trong nông nghiệp. Đến khoảng giai đoạn những năm 1960 đến 1970, các thiết bị ionizer đầu tiên được sử dụng trong các ứng dụng thương mại và gia đình.
Trải qua nhiều cải tiến và phát triển, vào năm 1981, công nghệ Ionizer được ra đời và ứng dụng trong nhiều thiết bị gia dụng bao gồm máy lọc không khí, máy tạo ẩm, quạt điều hòa không khí và các hệ thống làm sạch nước.
Ứng dụng công nghệ Ionizer trong xử lý nước thải
2. Nguyên lý hoạt động của công nghệ Ionizer
Công nghệ Ionizer là một phương pháp sử dụng ion để làm sạch và khử mùi trong không khí hoặc nước. Điện Ionizer tạo ra các ion dương hoặc ion âm trong không khí bằng cách sử dụng nguồn điện trái dấu. Các ion này sau đó tương tác với các hạt bụi, vi khuẩn, virus và các chất gây mùi khác trong không khí.
Khi các ion này kết hợp với các hạt này, chúng trở nên nặng hơn và rơi xuống mặt đất hoặc bị hấp thụ bởi hệ thống lọc không khí. Điều này giúp làm sạch không khí và giảm sự hiện diện của các chất gây ô nhiễm và mùi hôi.
Công nghệ Ionizer cũng có thể được sử dụng trong các hệ thống làm sạch nước bằng cách ion âm và ion dương được tạo ra để tác động lên các chất gây ô nhiễm, vi khuẩn, và các hợp chất hữu cơ trong nước. Các ion này có thể tạo thành các phức chất hoặc tạo ra các quá trình hóa học để khử trùng hoặc làm sạch nước.
Nguyên lý hoạt động của công nghệ Ionizer
3. Ưu và nhược điểm công nghệ Ionizer
3.1. Ưu điểm
Công nghệ Ionizer có khả năng làm sạch không khí bằng cách loại bỏ bụi mịn, vi khuẩn, virus giúp cải thiện chất lượng không khí trong không gian sống và làm việc.
Công nghệ Ionizer được sử dụng để khử mùi trong các không gian như nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng gym, nhà kho và các khu vực có mùi hôi khác. Bằng cách phát tán ion âm hoặc ion dương tương tác với các phân tử gây mùi, công nghệ giúp loại bỏ mùi hôi và tạo không gian thoáng mát, thư giãn.
Công nghệ Ionizer được ứng dụng trong máy lọc không khí có khả năng loại bỏ phấn hoa và bụi mịn giúp giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân mắc hen suyễn, dị ứng hoặc các vấn đề về hô hấp khác.
Máy lọc không khí ion
3.2. Nhược điểm
Công nghệ Ionizer không loại bỏ được các chất hóa học có thể có trong không khí như khí ô nhiễm từ xe cộ hoặc các chất khí độc khác.
Công nghệ chỉ làm nặng các các hạt ô nhiễm lơ lửng trong không khí khiến chúng rơi xuống và bám dính vào các bề mặt xung quanh như tường nhà, sàn nhà chứ không có khả năng loại bỏ hoàn toàn. Điều này gây ra sự ô nhiễm chéo và nguy hiểm đến sức khỏe con người khi các vật chất dạng hạt không được loại bỏ trong không gian.
Hiệu suất của công nghệ Ionizer có thể bị ảnh hưởng bởi kích thước không gian, mức độ ô nhiễm và các yếu tố môi trường khác. Trong một không gian lớn hoặc môi trường ô nhiễm nặng, công nghệ Ionizer có thể không đạt hiệu suất tối đa.
Đặc biệt, công nghệ Ionizer có thể phát thải ra những hạt tĩnh điện và ozone độc hại trong không khí. Việc phát thải này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, động vật và thực vật. Ozone có thể gây hại cho sức khỏe nếu nồng độ quá cao, đặc biệt là trong không gian kín và không có thông gió đủ.
Xem thêm: Hệ thống lọc không khí Intellipure đảm bảo chất lượng không khí như thế nào?
4. Ứng dụng công nghệ Ionizer
Công nghệ Ionizer được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm môi trường, công nghiệp và y tế.
Đối với chất lượng không khí, công nghệ Ionizer được ứng dụng vào máy lọc không khí, hệ thống thông gió, điều hòa nhiệt độ nhằm làm sạch không khí trong các căn hộ, văn phòng, khách sạn, nhà hàng và các không gian công cộng khác. Thiết bị sử dụng công nghệ Ionizer giúp loại bỏ các hạt bụi, vi khuẩn, virus và các chất gây mùi khác giúp cải thiện chất lượng không khí và tạo môi trường sống, làm việc trong lành mạnh hơn.
Công nghệ Ionizer được ứng dụng trong máy lọc không khí
Công nghệ Ionizer được ứng dụng trong giao thông vận tải giúp lọc sạch không khí bên trong xe hơi. Công nghệ được tích hợp vào hệ thống thông gió của các xe hơi để làm sạch không khí bên trong xe. Điều này giúp loại bỏ hạt bụi, vi khuẩn và các chất gây mùi khác bảo vệ sức khỏe con người và giữ gìn môi trường an toàn, thân thiện.
Công nghệ Ionizer được sử dụng trong ngành công nghiệp và y tế như sản xuất điện tử, chế biến thực phẩm, y tế và y tế công cộng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe đối với con người.
Ứng dụng trong ngành y tế
Công nghệ Ionizer là công nghệ hiệu quả giúp làm sạch không khí và khử mùi. Công nghệ có khả năng loại bỏ các hạt bụi, vi khuẩn, virus và các chất gây mùi khác nhằm cải thiện chất lượng không khí trong không gian sống và làm việc. Đồng thời ngăn cản sự tấn công của các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Tìm hiểu và cập nhật những thông tin mới nhất về không khí tại đây.
THAM KHẢO
[1] US EPA, OAR. “What Are Ionizers and Other Ozone Generating Air Cleaners?” US EPA, 19 Feb. 2019, www.epa.gov/indoor-air-quality-iaq/what-are-ionizers-and-other-ozone-generating-air-cleaners.
[2] “Air Ionizers: How They Work, Benefits & Drawbacks.” Healthline, 29 Aug. 2021, www.healthline.com/health/what-does-an-ionizer-do.