Tiêu chuẩn nồng độ của các chất gây ô nhiễm không khí

Các chất gây ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí và không gian sống của con người. Những quy định về nồng độ của các chất gây ô nhiễm không khí được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xây dựng nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường. Hãy cùng tìm hiểu về tiêu chuẩn nồng độ của các chất gây ô nhiễm không khí qua bài viết dưới đây.

1. Ô nhiễm không khí là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là tình trạng ô nhiễm môi trường 

trong nhà hoặc ngoài trời bởi bất kỳ tác nhân hóa học, vật lý hoặc sinh học nào làm thay đổi các đặc tính tự nhiên của khí quyển. 

Các ngành công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện được coi là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí ngoài trời

Khi chất lượng không khí suy giảm, con người phải tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm và các hạt bụi mịn độc hại. Các hạt bụi mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các vấn đề về sức khỏe như bệnh đột quỵ, ung thư phổi hay các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. 

Ô nhiễm không khí

Theo ước tính của WHO, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm do mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

2. Các tiêu chuẩn về nồng độ các chất ô nhiễm không khí

Tiêu chuẩn Chất lượng Không khí Xung quanh Quốc gia (NAAQS) của Cục bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đã chỉ ra rằng một số chất gây ô nhiễm không khí phổ biến hiện nay gồm các vật chất dạng hạt (PM), carbon monoxide (CO), sulfur dioxide (SO2) và nitơ dioxide (NO2).[2]

2.1. Vật chất dạng hạt (PM)

Các hạt vật chất (Particulate Matter) là các hạt ô nhiễm trong không khí có kích thước vi mô. Một số hạt phổ biến như bụi, bồ hóng hay khói dễ dàng được phát hiện bằng mắt thường, nhưng với những hạt vật chất siêu nhỏ, con người chỉ có thể phát hiện thông qua kính hiển vi điện tử. Chúng được tạo từ các hoạt động giao thông vận tải, công trường xây dựng, ống khói hay đám cháy. Một số dạng vật chất dạng hạt thường gặp như:

– Bụi PM10: Đây là các loại bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet.

– Bụi PM2,5: Đây là các loại bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng là 2,5 micromet.

Việc tiếp xúc với các vật chất dạng hạt có trong hiện tượng ô nhiễm không khí dẫn đến các vấn đề về sức khỏe của con người như các bệnh về hô hấp, hen suyễn hay tim mạch. Các hạt vật chất này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chúng có thể phát tán theo số lượng lớn trong gió và gây nên tình trạng ô nhiễm không khí.

Ảnh hưởng của các vật chất dạng hạt

Năm 2005, mức phát thải trung bình hàng năm cao nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) khuyến nghị đối với PM2.5 là 10 μg/m3. Bản sửa đổi của WHO năm 2021 đã giảm một nửa con số đó xuống chỉ còn 5 μg/m3. 

Trong khi đó, mức phát thải trung bình hàng năm được khuyến nghị đối với PM10 là 20 μg/m3 vào năm 2005. Mức phát thải gây ô nhiễm không khí này vào năm 2021 giảm xuống còn 15 μg/m3.[3]

2.2. Sulfur dioxide (SO2)

Một trong các chất chủ yếu gây ô nhiễm không khí là sulfur dioxide. Đây là một khí vô cơ không màu và nặng hơn không khí. Khí SO2 sinh ra từ quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu hoặc sinh ra từ việc nấu chảy các quặng nhôm, đồng, kẽm, chì và sắt.

Chất gây ô nhiễm không khí này có tác động tiêu cực không chỉ với sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Khí SO2 khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hoà tan với nước bọt có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Trong khi đó, chất gây ô nhiễm không khí này có thể phát tán trong bầu khí quyển và gây ra hiện tượng mưa axit. Mưa axit có thể biến đất đai trồng trọt thành những vùng hoang mạc hoặc tàn phá các công trình kiến trúc bằng đá và kim loại.[4]

Đốt than tổ ong là một nguồn phát thải SO2 trong đô thị

Ngày 25 tháng 2 năm 2019, dựa trên việc xem xét toàn bộ thông tin và bằng chứng khoa học, Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đã ban hành quyết định giữ nguyên Tiêu chuẩn Chất lượng Không khí Xung quanh Quốc gia (NAAQS) cơ bản hiện có đối với sulfur dioxide (SO2). Đó là tiêu chuẩn SO2 1 tiếng, có hiệu lực từ ngày 23 tháng 8 năm 2010. Tiêu chuẩn này được thiết lập dựa trên giá trị trung bình 3 năm của 99 phần trăm nồng độ tối đa 1 tiếng hằng ngày.[5]

2.3. Nitơ dioxit (NO2)

NO2 là một loại khí hình thành do việc đốt cháy nhiên liệu, thuộc nhóm oxit nito NOx. Hít thở không khí với nồng độ NO2 cao có thể gây kích ứng đường thở trong hệ hô hấp của con người. 

Theo hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO, tiêu chuẩn nồng độ chất gây ô nhiễm không khí NO2 đã được sửa đổi, giảm từ 40 xuống chỉ còn 10 μg/m3 trung bình hàng năm. Mức tiêu chuẩn mới trung bình là 25 μg/m3 trong khoảng thời gian 24 giờ vẫn được WTO khuyến nghị sử dụng.[6]

2.4. Carbon monoxide (CO)

Một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí là khí Carbon monoxide (CO). Đây là một loại khí độc không màu, không mùi và không vị được tạo ra do quá trình đốt cháy không hoàn toàn các nhiên liệu có chứa cacbon như gỗ, xăng, than củi, khí tự nhiên và dầu hỏa.

Mức khuyến nghị trung bình là 4 mg/m3 trong khoảng thời gian 24 giờ là mới đối với hướng dẫn năm 2021. Một số tiêu chuẩn carbon monoxide trước đây không thay đổi, bao gồm các tiêu chuẩn cho khoảng thời gian 8 giờ, 1 giờ và 15 phút (lần lượt là 10, 35 và 100 mg/m3).

Ô nhiễm không khí là mối đe dọa cho môi trường và con người trên toàn thế giới. Bởi vậy việc kiểm soát và đo lường các chất gây ô nhiễm không khí được coi là một trong những giải pháp giúp cải thiện chất lượng không khí.

Tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về không khí tại đây.

Nguồn tham khảo:

[1] Air pollution. (n.d.). World Health Organization (WHO). Retrieved November 9, 2023, from https://www.who.int/health-topics/air-pollution#tab=tab_1

[2] Criteria Air Pollutants | US EPA. (2023, September 29). Environmental Protection Agency. Retrieved November 9, 2023, from https://www.epa.gov/criteria-air-pollutants

[3] New WHO air quality guidelines will save lives. (2022, January 4). IQAir. Retrieved November 9, 2023, from https://www.iqair.com/newsroom/2021-WHO-air-quality-guidelines

[4] Sulfur Dioxide Basics | US EPA. (2023, February 16). Environmental Protection Agency. Retrieved November 9, 2023, from https://www.epa.gov/so2-pollution/sulfur-dioxide-basics#what%20is%20so2

[5] Review of the Primary National Ambient Air Quality Standards for Sulfur Oxides. (2019, March 18). Federal Register. Retrieved November 9, 2023, from https://www.federalregister.gov/documents/2019/03/18/2019-03855/review-of-the-primary-national-ambient-air-quality-standards-for-sulfur-oxides

[6] What are the WHO Air quality guidelines? (2021, September 22). World Health Organization (WHO). Retrieved November 9, 2023, from https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/what-are-the-who-air-quality-guidelines

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top