Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2011, bệnh bụi silic trong phổi chiếm đến 74,40% trong tổng số 27.246 bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam, cao nhất trong 28 nghề được bảo hiểm hiện nay ở nước ta. Bệnh gây ra do hít phải một lượng lớn bụi silic trong khoảng thời gian dài từ 5 năm trở lên. Để biết thêm về loại bụi này cũng như những rủi ro nguy hiểm mà nó mang lại, Học viện không khí mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Hiểu về bụi silic
Bụi silic chứa tinh thể silic tự do. Đây là một hợp chất hóa học được hình thành từ các nguyên tử silic và oxy (SiO2). Silic tinh thể là một trong những khoáng chất trong vỏ trái đất, được tìm thấy trong nhiều vật liệu tự nhiên như cát, đá, đất sét và sỏi.
Bụi silic thường được tìm thấy trong nhiều vật liệu tự nhiên
Silic là một nguyên liệu trong vật liệu xây dựng như gạch tường, gạch ngói, đá phiến mái, bê tông, thủy tinh, gốm sứ và một số vật liệu tổng hợp nhựa. Silic cũng xuất hiện trong nhiều các quy trình xây dựng thường gặp như khai thác đá và đào hầm. Do đó, bụi silic có mặt rộng rãi trong các lĩnh vực khai thác, xây dựng và kỹ thuật.
Mối nguy hại khi tiếp xúc với bụi silic
Bụi silic rất mịn, nhỏ hơn nhiều so với một hạt cát nhỏ được tìm thấy trên bãi biển.
Bình thường một hạt cát nhỏ chúng ta thường thấy có đường kính khoảng 200 – 300 micromet. Trong khi đó, hạt silic tinh thể chỉ có kích thước 5 micromet. Chính vì vậy, loại bụi này có thể dễ dàng xâm nhập vào đường thở của chúng ta.
Hít phải bụi silic có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe, từ những kích ứng đơn giản và tức thì đến các bệnh phổi rất nghiêm trọng như khí phế thũng, viêm phế quản và đặc biệt là bệnh bụi phổi silic. Thậm chí, bụi silic còn được cho là một chất gây ung thư. Một khi bạn hít phải nó, nó có thể đi sâu vào phổi, ở lại đó và để lại sẹo vĩnh viễn gây tổn thương mô phổi.
Người người làm trong ngành kỹ thuật, xây dựng có nguy cơ mắc bệnh cao
Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi con người phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường có bụi silic trong một thời gian đủ lâu. Những người có nguy cơ mắc các bệnh này cao nhất là thợ mỏ, công nhân xây dựng và kỹ sư dầu khí.
Bệnh bụi phổi silic
Nhắc đến bụi silic thì bụi phổi silic luôn là từ khoá được xuất hiện nhiều nhất. Bệnh bụi phổi silic là một bệnh phổi không thể chữa khỏi và không thể phục hồi. Nguyên nhân gây bệnh là do hít phải bụi silic làm viêm và tạo sẹo phổi gây khó thở, ho. Theo thời gian, nó sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch và có thể dẫn đến tử vong.
Khoảng thời gian để bệnh bụi phổi silic phát triển là từ 10 đến 20 năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tiếp xúc với bụi silic quá thường xuyên và quá lâu, bệnh có thể phát triển chỉ trong vòng vài tháng cho đến một năm.
Bệnh bụi phổi silic rất nguy hiểm và khó có thể chữa trị
Một khi các hạt bụi silic siêu mịn được hít vào, chúng sẽ đi sâu vào phổi, ở đây chúng sẽ bị hệ thống miễn dịch tấn công. Điều này gây ra sưng và cứng mô phổi còn được gọi là xơ hóa, khiến mô phổi bị sẹo vĩnh viễn và không còn khả năng hoạt động bình thường.
Các triệu chứng của bệnh bụi phổi silic có thể mất nhiều năm để phát triển, ngay cả khi bạn đã ngừng làm việc trong môi trường bụi silic, bệnh vẫn sẽ phát triển. Tình trạng bệnh sẽ không thể thay đổi được và sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn nếu người bệnh tiếp xúc lâu hơn trong môi trường này. Các triệu chứng chính của bệnh bụi phổi silic là ho dai dẳng, khó thở, suy nhược và mệt mỏi
Giải pháp bảo vệ sức khoẻ trước tác hại của bụi silic
Biện pháp cá nhân
Bản thân mỗi cá nhân cần phải tự xác định được công việc của mình sẽ phải tiếp xúc với loại vật liệu chứa bụi silic nào, tần suất và thời gian tiếp xúc với bụi silic là bao nhiêu, từ đó tìm các biện pháp để tự bảo vệ sức khoẻ của mình.
Khi tiếp xúc với môi trường có bụi silic, bắt buộc mỗi người phải đeo khẩu trang ngăn bụi (loại có hiệu suất lọc bụi hô hấp cao). Tuy nhiên phần lớn các loại khẩu trang đang sử dụng không có hiệu quả lọc bụi hô hấp. Vì vậy, nếu nơi làm việc có nồng độ bụi và hàm lượng silic tự do trong bụi cao thì phải sử dụng bán mặt nạ hoặc mặt nạ lọc bụi.
Bắt buộc phải đeo khẩu trang và mặt nạ phòng độc khi làm việc trong môi trường có bụi silic
Biện pháp kỹ thuật
– Biện pháp thay thế: Chọn vật liệu không chứa silic hoặc có lượng silic thấp và tìm cách thay thế silic bằng những nguyên liệu ít hoặc không độc hại. Ví dụ, có thể thay thế cát silic bằng olivine (Mg, Fe)2SiO4 ít độc hại hơn.
– Biện pháp cách ly: Những nguồn phát sinh nhiều bụi phải được che chắn, cách ly để hạn chế bụi phát tán ra các công đoạn, bộ phận khác. Thay đổi quy trình sản xuất để hạn chế phát sinh bụi, cơ giới hoá, tự động hoá để tránh tiếp xúc với bụi.
– Biện pháp làm ẩm: Những nơi bụi nhiều (bộ phận xay, nghiền, khoan…) nếu điều kiện kỹ thuật cho phép có thể phun nước, tưới ẩm nguyên, vật liệu và dùng quạt phun sương làm ẩm không khí nhằm làm giảm nồng độ bụi trong môi trường.
Các biện pháp kỹ thuật khá hiệu quả trong việc giảm bụi silic trong môi trường
Biện pháp thông khí
Biện pháp này bao gồm:
– Thông khí chung: đưa không khí sạch vào để hoà loãng không khí bị ô nhiễm rồi sau đó hút không khí bị pha loãng đó ra bằng quạt hút.
– Thông khí hút cục bộ: hút bụi bằng một chụp hút rồi đẩy không khí có chứa bụi ra ngoài qua các ống dẫn bằng quạt đẩy.
Lắp đặt hệ thống thông khí để hạn chế tác hại của bụi silic
Hy vọng qua bài viết trên,Học viện không khí đã cung cấp cho bạn các kiến thức cần thiết về bụi silic. Chúng ta cần phải biết và xác định được các rủi ro và mối nguy hiểm từ bụi silic để từ đó đưa ra các biện pháp loại bỏ, thay thế và kiểm soát tác động của bụi silic đến sức khoẻ con người.
Mời bạn tìm hiểu và cập nhật các thông tin về Không khí tại đây.