Tại sao các thành phố cần tránh xa nhiên liệu hóa thạch?

Nhiên liệu hóa thạch có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất của con người. Dầu mỏ, khí đốt, than đá được dùng làm chất đốt và là nguồn cung cấp năng lượng chính cho nền công nghiệp thế giới. Tuy nhiên, quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch này cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

1. Nhiên liệu hóa thạch là gì?

Nhiên liệu hóa thạch là hỗn hợp hợp chất được tạo thành từ tàn tích động thực vật hóa thạch từ hàng triệu năm trước. Các loại nhiên liệu này có chứa một lượng lớn cacbon và các hợp chất hydrocacbon.

Các loại nhiên liệu hóa thạch đều chịu áp suất và nhiệt độ cao dưới lòng đất trong một khoảng thời gian rất dài. Dựa vào điều kiện cụ thể và thời gian biến đổi, chúng có thể tồn tại ở dạng khí, lỏng hoặc rắn. Than, dầu và khí tự nhiên là những nhiên liệu hóa thạch phổ biến được con người sử dụng.[1]

Khai thác nhiên liệu hóa thạch

1.1. Dầu mỏ

Dầu mỏ hay còn gọi là dầu thô, là một chất lỏng đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng tồn tại trong các lớp đá sâu dưới lòng đất và được hình thành từ các sinh vật phù du đã bị nén chặt qua hàng triệu năm. 

1.2. Khí đốt tự nhiên

Khí đốt tự nhiên là một nguồn năng lượng quan trọng được khai thác từ các mỏ dầu dưới dạng khí. Thành phần chính của khí đốt tự nhiên là metan, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất điện và làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông.

1.3. Than

Than được coi là “vàng đen” của thế giới năng lượng. Chúng được khai thác từ các hầm mỏ trên đất liền và là một trong các nguồn nhiên liệu hóa thạch chính trong việc sản xuất nhiệt và điện.

Than đá

2. Tại sao các thành phố cần tránh xa nhiên liệu hóa thạch?

2.1. Sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây nên hiệu ứng nhà kính

Khi đốt để lấy năng lượng, nhiên liệu hóa thạch tạo ra carbon dioxide (CO2). Sự gia tăng nồng độ carbon dioxide (C02) trong khí quyển được coi là tác nhân chủ yếu gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu trên bề mặt trái đất.

Trung Quốc là quốc gia phát thải khí carbon dioxide lớn nhất trên thế giới, với 10,06 tỷ tấn vào năm 2018. Nguồn phát thải khí nhà kính chính ở Trung Quốc là các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Nga cũng là quốc gia lớn thứ tư có lượng khí thải CO2 cao trên thế giới, với 1,71 tỷ tấn vào năm 2018. Nga sở hữu những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất và chúng là nguồn năng lượng chính để sản xuất điện của nước này. Than đá sử dụng trong các ngành công nghiệp hóa chất của Nga cũng được coi là tác nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính.[2]

Đốt nhiên liệu hóa thạch 

2.2. Sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra tình trạng ô nhiễm không khí

Nhiên liệu hóa thạch cần được đốt cháy để giải phóng năng lượng tích trữ trong đó. Quá trình đốt cháy những nhiên liệu hóa thạch này đã thải ra một lượng lớn carbon dioxide (C02), khí metan (CH4), bụi mịn và các chất ô nhiễm khác vào không khí. Các chất độc hại này ảnh hưởng tiêu cực đến bầu khí quyển và tạo nên tình trạng ô nhiễm không khí.[3]

2.3. Nhiên liệu hóa thạch ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Research, ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch ước tính gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên thế giới [4].

Một lượng lớn khói bụi, tro xỉ thải ra từ quá trình đốt than làm suy giảm chất lượng không khí và gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch ở con người. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Tại Hoa Kỳ, 12,7% trường hợp hen suyễn ở trẻ em là do hít phải khí thải từ bếp gas trong nhà. 

Các hộ gia đình với mức thu nhập thấp ở các thành phố lớn có nguy cơ mắc bệnh do ô nhiễm không khí từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch cao hơn so với các nơi khác. Việc tiếp xúc trong thời gian dài với khí thải từ các phương tiện giao thông và các khu công nghiệp có dẫn đến bệnh phổi đen.

Khí thải từ xe cộ

2.4. Nhiên liệu hóa thạch làm ô nhiễm nguồn đất và nước

Việc khai thác than tại các mỏ lộ thiên khiến con người phải dùng các vật liệu để phá núi và rừng. Việc khai thác các nhiên liệu hóa thạch này đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đồi núi và các động vật sinh sống tại đây.

Các hoạt động khai thác khí tự nhiên, dầu mỏ ở biển cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến đời sống các loài sinh vật dưới biển. Việc khai thác dầu còn tác động đến cả hệ thống nguồn nước ngầm. Các tàu chở dầu đôi khi xảy ra hiện tượng rò rỉ trên biển làm ô nhiễm nguồn nước và giết chết các loài sinh vật sống dưới nước. 

Khai thác nhiên liệu hóa thạch

Nhiên liệu hóa thạch là các hợp chất được hình thành sâu trong lòng đất từ hàng trăm triệu năm trước. Nguồn nhiên liệu hóa thạch này có vai trò quan trọng trong nền công nghiệp toàn thế giới. Vậy nhưng, việc khai thác các nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường và con người.

Tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về không khí tại đây.

Nguồn tham khảo:

[1] Fossil Fuels. (n.d.). National Geographic Society. Retrieved November 10, 2023, from https://education.nationalgeographic.org/resource/fossil-fuels/

[2] Blokhin, A., & Perez, Y. (n.d.). The 5 Countries That Produce the Most Carbon Dioxide (CO2). Investopedia. Retrieved November 10, 2023, from https://www.investopedia.com/articles/investing/092915/5-countries-produce-most-carbon-dioxide-co2.asp

[3] Fossil fuels and climate change: the facts. (n.d.). ClientEarth. Retrieved November 10, 2023, from https://www.clientearth.org/latest/latest-updates/stories/fossil-fuels-and-climate-change-the-facts/

[4] Global mortality from outdoor fine particle pollution generated by fossil fuel combustion: Results from GEOS-Chem https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0013935121000487

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top