Ô nhiễm không khí là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm trí. Vậy liệu ô nhiễm không khí có mối quan hệ gì với bệnh sa sút trí tuệ?
1. Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là tình trạng không khí chứa các chất gây ô nhiễm bao gồm khí độc, vi sinh vật và bụi mịn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động vật và môi trường tự nhiên.
Ô nhiễm không khí là một vấn đề tồn tại từ hàng ngàn năm trước, ngay từ khi con người bắt đầu sử dụng lửa và đốt cháy các nguồn nhiên liệu tự nhiên. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và quy mô của hoạt động công nghiệp, ô nhiễm không khí càng trở nên nghiêm trọng hơn và lan rộng khắp nơi.
Ô nhiễm không khí có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh hô hấp, dị ứng, bệnh tim mạch và nguy cơ sa sút trí tuệ. Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, ô nhiễm không khí từ các hạt vật chất mịn đã gây ra 6,4 triệu ca tử vong sớm và 93 tỷ ngày sống chung với bệnh tật vào năm 2019.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí có thể gây hại đến cây cối, động vật và hệ sinh thái. Các chất gây ô nhiễm có thể làm giảm sự phát triển của cây trồng, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp và làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời, ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân gây ra gánh nặng kinh tế toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới về “Chi phí sức khỏe toàn cầu do ô nhiễm không khí PM2.5”, chi phí y tế toàn cầu cho tỷ lệ tử vong và bệnh tật do tiếp xúc với ô nhiễm không khí PM2.5 vào năm 2019 là 8,1 nghìn tỷ USD, tương đương 6,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
2. Bệnh sa sút trí tuệ
Bệnh sa sút trí tuệ (Dementia) là tình trạng tổn thương mãn tính và tiến triển của hệ thần kinh gây ra sự suy giảm toàn diện trong khả năng tư duy, nhận thức, trí nhớ, học tập, nắm bắt thông tin và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đây là một bệnh lý thường gặp ở người già và có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình.
Triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ thường bắt đầu nhẹ nhàng và tăng dần theo thời gian. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc nhớ thông tin, đánh giá và ra quyết định, giao tiếp, thực hiện các hoạt động hằng ngày và kiểm soát cảm xúc. Họ có thể mất kiểm soát về hành vi, thay đổi tính cách và trở nên mất tự trọng.
Trong giai đoạn tiến triển nghiêm trọng, người bệnh có thể mất khả năng nhận biết người thân, mất trí nhớ gần như hoàn toàn và trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trên thế giới có hơn 55 triệu người mắc chứng mất trí nhớ trên toàn thế giới, hơn 60% trong đó sống ở các nước có thu nhập thấp, trung bình và mỗi năm xuất hiện thêm gần 10 triệu ca mới.
Nguyên nhân gây bệnh sa sút trí tuệ do tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh và các kết nối ở trong não. Bệnh sa sút trí tuệ cũng có thể xuất hiện bởi các yếu tố di truyền, tuổi tác, tác động môi trường và các vấn đề về sức khỏe toàn thân. Một số nguyên nhân phổ biến khác gồm tổn thương các mạch máu não, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và các vấn đề về tuần hoàn não.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn bệnh sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, việc quản lý và chăm sóc bệnh nhân có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đồng thời, việc duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì một môi trường xã hội tích cực và tham gia vào các hoạt động tinh thần cũng có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.
3. Mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh sa sút trí tuệ
3.1. Ô nhiễm không khí sản sinh ra PM2.5 gây bệnh sa sút trí tuệ
Ô nhiễm không khí sản sinh ra lượng bụi mịn PM2.5 lớn gây bệnh sa sút trí tuệ ở người. PM2.5 trong không khí có thể kích thích phản ứng viêm và oxi hóa trong cơ thể dẫn đến tăng stress oxi hóa và tổn thương các tế bào não, gây ra sa sút trí tuệ.
Ô nhiễm không khí có thể tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ bằng cách gia tăng tốc độ tiến triển và khả năng mắc bệnh Alzheimer. Các chất gây ô nhiễm trong không khí đã được liên kết với việc hình thành các cầu thang amyloid và kết tủa protein tau (protein tau tích tụ thành các mảng bám và các đám rối khiến các tế bào não chết và dẫn đến co rút não), hai dấu hiệu quan trọng của bệnh Alzheimer. Hơn nữa, ô nhiễm không khí cũng có thể góp phần vào việc suy giảm khả năng tư duy, nhận thức và trí nhớ.
Theo nghiên cứu về “Ô nhiễm không khí và chứng sa sút trí tuệ”, tiếp xúc với ô nhiễm không khí, đặc biệt là các hạt mịn làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tăng lipid, xơ vữa động mạch, stress oxy hóa, kháng insulin, rối loạn chức năng nội mô, tăng xu hướng đông máu, viêm và đột quỵ khiến tăng nguy cơ nhận thức gây suy giảm và sa sút trí tuệ.
Các nghiên cứu đã xem xét mối liên hệ tiềm ẩn giữa chứng sa sút trí tuệ và bụi mịn (PM2.5) phát hiện nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tăng thêm mỗi 2 µm/m3 thì nguy cơ tổng thể mắc chứng sa sút trí tuệ tăng 4%.
Phân tích tổng hợp từ Trường Y tế Công cộng Harvard cũng chỉ ra rằng các chất gây ô nhiễm không khí dạng hạt mịn (PM2.5) có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở người.
3.2. Ô nhiễm không khí phát thải khí độc hại gây sa sút trí tuệ
Ô nhiễm không khí do các các chất phát thải độc hại có thể gia tăng cao nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Những khí độc hại tiếp xúc với cơ thể con người gây hại cho hệ thống mạch máu và làm giảm lưu thông máu đến não dẫn đến thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết cho sự hoạt động bình thường của não. Điều này gây ra bệnh sa sút trí tuệ.
Các tác động tiêu cực từ khí độc có thể gây ra căng thẳng và lo lắng ảnh hưởng đến tâm trạng và trạng thái tinh thần ở người. Tình trạng tâm lý không tốt này có thể dẫn đến mất khả năng tập trung, suy nghĩ và trí nhớ.
Theo một nghiên cứu của Hàn Quốc, việc tiếp xúc với NO2, SO2, CO ở mức độ cao làm giảm chỉ số MMSE (Mini Mental State Examination – Thang Đánh giá Tâm thần tối thiểu) ở người cao tuổi. Khi tiếp xúc lâu dài trong môi trường chứa khí độc làm suy giảm hiệu suất nhận thức gây sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, VOC cũng làm gia tăng số ca mắc sa sút trí tuệ ở người. Theo một nghiên cứu khác, VOC thúc đẩy quá trình sản xuất ROS khiến căng thẳng oxy hóa gây ra bệnh Alzheimer, đây chính là nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí và bệnh sa sút trí tuệ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ô nhiễm không khí sản sinh ra bụi mịn, khí độc có thể làm suy giảm nhận thức ở người và gây ra chứng sa sút trí tuệ. Hiểu rõ về mối quan hệ này có thể giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc giảm ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe tâm thần của con người.
Tìm hiểu và cập nhật những thông tin mới nhất về không khí tại đây.
THAM KHẢO
[1] Peters, Ruth, et al. “Air Pollution and Dementia: A Systematic Review.” Journal of Alzheimer’s Disease, vol. 70, no. s1, 13 Aug. 2019, pp. S145–S163, content.iospress.com/articles/journal-of-alzheimers-disease/jad180631, https://doi.org/10.3233/jad-180631.
[2] World Health Organization. “Dementia.” World Health Organization, 15 Mar. 2023, www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dementia.
[3] Avenue, 677 Huntington, et al. “News.” News, 26 Aug. 2016, www.hsph.harvard.edu/news/multitaxo/topic/dementia/. Accessed 12 June 2023.
[4] Moulton, Paula Valencia, and Wei Yang. “Air Pollution, Oxidative Stress, and Alzheimer’s Disease.” Journal of Environmental and Public Health, 2012, www.hindawi.com/journals/jeph/2012/472751/.
[5] Park, Seon Young, et al. “Impact of Long-Term Exposure to Air Pollution on Cognitive Decline in Older Adults without Dementia.” Journal of Alzheimer’s Disease, vol. 86, no. 2, 22 Mar. 2022, pp. 553–563, https://doi.org/10.3233/jad-215120. Accessed 10 Apr. 2022.
[6] Fu, Pengfei, and Ken Kin Lam Yung. “Air Pollution and Alzheimer’s Disease: A Systematic Review and Meta-Analysis.” Journal of Alzheimer’s Disease, vol. 77, no. 2, 15 Sept. 2020, pp. 701–714, https://doi.org/10.3233/jad-200483.